“Thanh âm trong trẻo” của người gieo hạt vùng cao

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tự truyện

“THANH ÂM TRONG TRẺO” CỦA NGƯỜI “GIEO HẠT VÙNG CAO”

Mười năm không quá dài nhưng cũng chẳng phải là ngắn để ta nhìn lại chặng đường mình đã đi qua. Cuộc đời cũng thật có duyên, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi còn là một cô bé gái mười sáu, mười bảy nhiều mộng mơ, hoài bảo và ước vọng đứng trước cánh cửa của cuộc đời mình tôi đã mơ ước trở thành một cô giáo dạy Văn với mong muốn sau khi ra trường sẽ được phục vụ trên chính quê hương đất quế của mình, kì diệu thay điều đó đã thành sự thật.

Tôi là cô gái miền sơn cước tuổi thơ đã gắn chặt với đồng, với sông, với đường làng ngõ xóm với tất cả những gì dung dị nhất . Tôi hiểu rất rõ cái nghèo khó, eo hẹp của từng mái nhà và cũng thấm thía sự quần quật của cha mẹ để lo cơm áo cho các con đến trường. Những ngôi nhà đông con đến bữa ăn là “củ ghế cơm” chứ không phải là “cơm ghế củ” chị em cứ tranh nhau miếng cơm trắng. Trong tôi cứ hiện hữu những ngày còn thơ khi cắp sách đến  trường,  trời nắng chang chang một tay ôm vở một tay lấy vở che lên đầu để tránh đi phần nào cái nắng gay gắt của trời tháng tư, tháng năm khi đến trường  mồ hôi đã ướt đẫm cả áo. Những ngày đông tháng giá mưa dầm dề thì chỉ có một tấm choàng bằng ni long phủ lên lưng khi đến trường nước mưa đã ướt đến tận gần lưng quần rét đến run người nhưng miệng vẫn cười tươi khi nói chuyện, chơi đùa cùng bạn, vẫn say sưa nghe cô giảng bài.

Thời gian thấm thoát thoai đưa thế mà giờ đây tôi đã là cô giáo dạy Văn hơn mười năm rồi. Đơn vị mà tôi công tác nằm trên xã Trà Bùi mang tên Trường PTDTBT TH&THCS Trà Bùi. Trà Bùi là một xã miền núi rất khó khăn của huyện Trà Bồng, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, 95% dân số là dân tộc Cor, nhiều thôn rất khó khăn như thôn Tang, thôn Quế, thôn Nước Nia.

Nhớ cái ngày đầu tiên về trường công tác trong lòng không khỏi hồi hộp, phấn khởi của một cô giáo trẻ, vượt qua gần 20 cây số đường rừng hiu quạnh, đầy đốc đá, ổ gà và những đoạn đường đất trơn trợt  tôi cũng đến được với xã Trà Bùi. Nhìn ngôi trường không mấy khang trang, nhưng trong trường ngân lên tiếng giảng bài của thầy cô giáo trong lòng tôi cảm thấy ấm áp đến lạ lùng. Mái tóc hơi rối, làn da ngăm đen, quần áo còn sộc sệch, chân trần chạy khắp sân trường vào giờ ra chơi…. Tất cả ở các em đậm chất “núi rừng” tôi lại nhìn thấy hình ảnh của mình ngày còn thơ hiện hữu trong các em một cách chân thực, sống động.

Công tác được một thời gian tôi lại hiểu các em nhiều hơn, hiểu được những khó khăn trong từng hoàn cảnh của các em, cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm, mùa đông đến đôi bàn tay run run, bờ môi tím tái vì lạnh  nhưng vẫn đến trường đều đặn mỗi ngày , đặc biệt những em ở các thôn Tang , thôn Quế, các em đi bộ vượt qua đoạn đường gần 40 cây số để đến với ngôi trường chính. Trên đoạn đường xa xôi ấy có biết bao nhiêu là nguy hiểm đang rình rập như lỡ núi, rắn rếp hay sơ ý là trượt chân té ngã… có thể giáng xuống các em bất kì lúc nào. Nhưng có lẽ tình yêu đối với cái chữ trong các em luôn hiện hữu và nó đã trở thành động lực để các em bước tiếp một cách vững vàng. Có những em chỉ cao bằng nửa người tôi, phải dậy từ ba giờ sáng dưới trời giá buốt để tìm đến với con chữ . Nghĩ mà thương.

Lại nói đến các điểm xa trường thôn Tang , thôn Quế.

Thôn Quế  nằm dưới chân đỉnh Cà Đam, trước đây để lên được đến điểm thôn Quế các anh chị em phải đi vòng qua các xã miền núi của huyện Sơn Hà để xe ở nhà dân,  đi bộ lên khoảng một tiếng đồng hồ  mới đến điểm dạy. Hành trình mang con chữ đến với các em thôn bản vùng cao đầy khó khăn và vất vả , các anh chị em giáo viên của trường  bỏ lại sau lưng những đứa con còn thơ dại cần chăm sóc để mang con chữ đến những thôn bản xa xôi , mang ánh sáng của tri thức đến với các em.Ở trên rẻo cao của núi đồi những lúc trái gió trở trời anh chị em chỉ còn biết nương tựa vào nhau để vượt qua nổi nhớ nhà, nhớ con, nhớ chồng, … để viết tiếp cho các em những trang mới của cuộc đời , vẽ cho các em những câu chuyện hay, gieo vào các em những điều mới mẻ của cuộc sống mà các em chưa biết.

Thôn Quế ngày đông về

 

Ngoài điểm thôn Quế, Trà Bùi còn có một điểm  trường cũng hết sức khó khăn đó là điểm thôn Tang, để đến được với điểm trường giáo viên phải vượt qua hơn 10 cây số đoạn đường toàn đá là đá, lên đến nơi đôi chân cứng cáp , đôi tay dẻo dai cũng tê dại . Ngôi trường nằm trên một ngọn đồi cheo leo giữa núi rừng, những ngày nắng thì nắng đến cháy da, cháy thịt ngày mưa lạnh đến thấu xương, cái khổ trăm bề của những thầy cô giáo vùng cao.

Đường đi thôn Tang ngày mưa

 

Không những khó khăn khoảng cách địa lí mà còn khó khăn ở nhiều mặt dân trí thấp nhiều em nói tiếng kinh chưa rõ, vì còn nhỏ nên vẫn thích quanh quẫn bên ba mẹ không muốn đến trường, giáo viên không chỉ là người vẽ vào đầu các em những nét chữ đầu tiên mà còn phải động viên , quan tâm , vận động các em tìm đến với con chữ .

Ngày hôm nay, dưới sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, xã nhà của huyện trường và nhiều điểm trường đã có sự thay đổi đáng kể, đoạn dường đi đã được bê tông hóa, điểm trường chính và những điểm lẻ của trường được tu bổ khang trang hơn, phòng học đã có ti vi để phục vụ cho việc dạy và học tốt hơn rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi để xoa dịu đi phần nào sự thiếu thốn , không đầy đủ trong các em. Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Mỗi thầy cô giáo mang trong mình tình yêu thương vô hạn đối với các em , tình yêu ấy không vì khó khăn , gian nan vất vả mà mai một đi mà nó ngày càng lớn dần trở thành một điều bất diệt trong tim một giáo viên.

Bản thân là một giáo viên trẻ, tuổi thơ lại gắn liền với những điều cơ cực nên muốn đem một phần sức lực nhỏ bé của mình hòa cùng với sức lực của tất cả giáo viên trường để đem đến một ngôi trường ngày càng khang trang, học sinh tiến bộ, thầy cô vững vàng tiến về phía trước , xây dựng thế hệ tương lai đủ mạnh, đủ bản lĩnh để tiến xa hơn trên con đường đời, để từng mái nhà no ấm không còn là những bữa củ  ghế cơm , không còn những bờ môi tím tái mỗi khi động về. Nhìn lại chặng đường mười năm không ngắn cũng chẳng quá dài nhưng bản thân đã trưởng thành hơn, trên gương mặt nhiều thầy cô giáo đã xuất hiện những nếp nhăn theo thời gian nhưng tình yêu trường , yêu lớp , tâm huyết với nghề chưa bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi và của tất cả đội ngũ anh em giáo viên trường đó chính là thanh âm trong trẻo nhất trong tâm hồn của người gieo hạt vùng cao.

                                                                                                             Tự truyện

                                                                                               Giáo viên: Đỗ Thị Như Hưng